Công ty Kim Oanh bỏ số tiền lớn 1.500 tỷ mua đấu giá dự án Khu dân cư (KDC) Hoà Lân, nhưng ba năm điêu đứng khi kiện tụng kéo dài. Vụ tranh chấp tưởng đã ngã ngũ nhưng đến ‘phút 89’ vẫn bị ‘tuýt còi’.
Mới đây Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh, bên có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về “huỷ kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Công ty TNHH SXTM Thiên Phú và Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, có đơn đề nghị Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM rút lại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.
Theo hồ sơ, khu đất rộng 490.000 m2 ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, được tỉnh Bình Dương giao cho Công ty TNHH SXTM Thiên Phú do ông Bùi Thế Sơn làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc, để làm dự án KDC Hoà Lân. Năm 2003, Công ty Thiên Phú làm hợp đồng thế chấp toàn bộ dự án, vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 18.643 lượng vàng.
Khi mất khả năng chi trả, Công ty Thiên Phú đồng ý giao dự án cho Agribank xử lý nợ theo hình thức bán đấu giá, thu hồi nợ. Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn đứng ra tổ chức đấu giá nhưng phải đến phiên thứ 13, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng.
Sau đó, Kim Oanh phối hợp cùng các bên giải quyết những tồn đọng tại dự án do Công ty Thiên Phú để lại. Đến nay, Công ty Kim Oanh đã bỏ khoảng 2.000 tỷ đồng vào dự án trên nhưng liên tiếp gặp rắc rối, phiền hà.
Mặc dù Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc và có kết luận, quá trình đấu giá tài sản hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Đến đầu năm 2009, ông Bùi Thế Sơn, đại diện Công ty Thiên Phú khởi kiện Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ra TAND quận 7 yêu cầu huỷ toàn bộ kết quả đấu giá, xin nhận lại dự án.
Khoảng một tháng sau, ông Sơn bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án khác. Từ trại tạm giam, ông Sơn có đơn xin rút lại toàn bộ nội dung khởi kiện.
Thế nhưng xuất hiện hai cá nhân cho rằng đã mua 100% cổ phần của Công ty Thiên Phú, đề nghị tham gia vào vụ án và được TAND quận 7 chấp thuận.
Tuy nhiên, phiên xét xử của TAND quận 7 vào giữa tháng 11/2020 đã tuyên, không chấp nhận nội dung khởi kiện của Công ty Thiên Phú về việc huỷ kết quả đấu giá và mua bán tài sản đấu giá; huỷ quyết định phong toả tài sản là dự án khu dân cư Hoà Lân… Phiên phúc thẩm tháng 3/2021 đã quyết định đình chỉ xét xử do hai cá nhân có đơn rút kháng cáo.
Khi bản án có hiệu lực, Công ty Kim Oanh đang tiến hành các thủ tục để chính danh sở hữu tài sản thì bất ngờ tháng 4 vừa qua, một tạp chí có văn bản đến Viện KNSD cấp cao cho rằng, quy trình bán đấu giá dự án KDC Hoà Lân vi phạm pháp luật, đề nghị xem xét lại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Kháng nghị của VKS Cấp cao tại TP.HCM sau đó đưa ra nhiều nội dung, trong đó cho rằng ngân hàng Agribank chi nhánh Chợ Lớn vi phạm nguyên tắc khách quan, minh bạch, công bằng quy định trong Luật đấu giá; vi phạm trong việc thế chấp quyền sử dụng đất mà nhà nước không thu tiền sử dụng đất; vi phạm trong việc cho Công ty Kim Oanh chậm thanh toán…
Từ cơ sở đó, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật cần được bảo vệ
Đến nay, Công ty Kim Oanh đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Bình Dương cùng các sở ngành liên quan đề nghị chấp thuận đăng ký biến động cho công ty này trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án KDC Hoà Lân.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, đại diện Công ty Kim Oanh phân tích, công ty của bà không phải là bên có tranh chấp tài sản với Công ty Thiên Phú; không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp – giao dịch thương mại giữa Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú; không liên quan đến hợp đồng đấu giá giữa Agribank Chợ Lớn với công ty đấu giá; không có liên hệ pháp luật với Công ty Thiên Phú…mà chỉ là bên mua tài sản từ cuộc đấu giá được tổ chức công khai, hợp pháp theo quy định pháp luật.
“Chúng tôi là nạn nhân, mua tài sản đấu giá nhưng không được sở hữu. Hiện gánh rất nhiều thiệt thòi trong những năm qua nhưng đến nay sự việc vẫn chưa kết thúc, có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù cho Công ty Kim Oanh?”, đại diện Kim Oanh bức xúc.
Được biết, liên quan đến vụ việc, cuối tháng 3/2019, Thanh tra Bộ Tư Pháp đã có kết luận thanh tra, báo cáo kết quả đến Thủ tướng Chính phủ, qua đó khẳng định, “việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu gía của Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn không vi phạm pháp luật nghiêm trọng; hợp đồng chuyển nhượng đã được các bên ký kết, việc huỷ hay tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của các bên…”.
Còn sau 2 cấp tòa không bên nào kháng nghị bản án. Thế nhưng, từ đơn phản ánh của một tạp chí, bên hoàn toàn không liên quan đến vụ án, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, khiến Công ty Kim Oanh ngã ngửa ở… phút 89.
Trong 11 nội dung làm căn cứ để Viện KSND cấp cao tại TP.HCM ra kháng nghị giám đốc thẩm, đó có nội dung liên quan đến Công ty Kim Oanh, là phía ngân hàng Agribank Chợ Lớn cho công ty này chậm thanh toán. Lý giải vấn đề này, Công ty Kim Oanh cho biết, sau khi mua được tài sản đấu giá, công ty phải giải quyết các hậu quả do Công ty Thiên Phú để lại, đối diện với những kiện tụng và việc chậm thanh toán đã có sự chấp thuận của Agribank cũng như Công ty Nam Sài Gòn.
Còn trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi TAND quận 7 thụ lý vụ kiện, phía Ngân hàng Agribank xác nhận: “Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ tiền mua tài sản đấu giá”.
Ngoài ra kháng nghị cho rằng có vi phạm trong việc thế chấp quyền sử dụng đất mà nhà nước không thu tiền sử dụng đất. Phía Công ty Kim Oanh giải thích, dự án Khu dân cư Hòa Lân có diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thiên Phú là 490.765,1m2, gồm đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất 243.912m2 và đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất 246.853,1m2.
Việc Công ty Thiên Phú ký hợp đồng với Agribank để thế chấp 246.853,1m2 đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là để đảm bảo cho lợi ích của Agribank, theo yêu cầu của Agribank. Hồ sơ vụ án thể hiện rõ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất không bao gồm quyền sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Đối với phần diện tích công thì không tiến hành bán đấu giá mà chỉ bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, không có cơ sở để khẳng định việc bán đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân không bao gồm 246.853,1m2 diện tích đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất…
Liên quan đến vụ mua dự án KDC Hoà Lân, có thể khẳng định Kim Oanh là nạn nhân trong một vụ tranh chấp. Doanh nghiệp mua tài sản đấu giá trong cuộc đấu giá được xác định là công khai, đúng quy định pháp luật nhưng liên tục bị dính rắc rối, phiền hà. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong chức năng, quyền hạn của mình, cần bảo vệ doanh nghiệp trong những vụ việc như thế này.