Cha, me không cấp dưỡng cho con sau ly hôn có bị phạt?

Nghĩa vụ cấp dưỡng là cơ sở pháp lý nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình. Song song đó việc quy định về cấp dưỡng giúp các thành viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa các đối tượng như sau: nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn. Trong giới hạn bài viết hôm nay, chúng ta chỉ tìm hiểu về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con. Vậy câu hỏi đặt ra, nếu vợ hoặc chồng sau khi ly hôn không đồng ý cấp dưỡng cho con thì có vi phạm pháp luật hay không?

1. Cấp dưỡng là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu được cấp dưỡng là gì? Tại Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.

Như vậy, điều kiện chung phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng gồm:

  • Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thông hoặc nuôi dưỡng;
  • Người được cấp dưỡng chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, gặp khó khăn, túng thiếu.

Người chưa thành niên theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.

2. Cha, mẹ không cấp dưỡng cho con sau ly hôn xử lý như thế nào?

a. Khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng

Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cấp dưỡng thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ, hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. (Theo quy định tại Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

b. Xử phạt hành chính

Theo đó người cấp dưỡng từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm có con sau khi ly hôn thì theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/NĐ-CP hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (trước đây theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021.

c. Xử lý hình sự

Bên cạnh việc bị phạt tiền và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì theo Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn quy định:

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 380 của Bộ luật Hình sự, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, theo các quy định trên, trước tiên cha/mẹ cần trao đổi với cha/mẹ của con mình về việc cấp dưỡng cho con như thỏa thuận về mức cấp dưỡng phù hợp hơn, những chế tài từ pháp luật khi từ chối cấp dưỡng trong trường hợp có đủ điều kiện cấp dưỡng,… Trường hợp đã trao đổi nhưng cha của con vẫn từ chối cấp dưỡng thì người mẹ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu bạn đang có những vướng mắc pháp lý cần được giải đáp cụ thể hay muốn tìm Luật sư giỏi Bến Tre hãy liên hệ với Văn phòng luật sư Hoàng Gia – Văn phòng luật sư ở Bến Tre để được giải đáp.
Văn phòng Luật sư Hoàng Gia với đội ngũ Luật sư giỏi tại Bến Tre  , Luật sư giỏi Châu thành Bến Tre, Luật sư giỏi Bình Đại Bến Tre, Luật sư giỏi Giồng Trôm Bến Tre , Luật sư giỏi Mỏ Cày Nam Bến Tre , Luật sư giỏi Mỏ Cày Bắc Bến Tre , Luật sư giỏi Chợ Lách
Bến Tre , Luật sư giỏi Thạnh Phú Bến Tre sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của Quý khách hàng.

RẤT HÂN HẠNH ĐƯỢC PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH HÀNG!
 Mọi thông tin vui lòng liên hệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *